Biến quan sát nhân tố này hội tụ vào nhân tố khác EFA

NGÀY ĐĂNG: 16/12/2020 |DANH MỤC: EFA

Khi phân tích nhân tố khám phá, tình trạng biến quan sát nhóm này tải mạnh sang nhóm khác là điều khá bình thường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm cả chủ quan và khách quan. Các lý do chủ quan đến từ việc người nghiên cứu nhập liệu lỗi, không làm sạch dữ liệu trước khi thực hiện phân tích, chọn phương pháp xoay, trích không phù hợp,… hay nghiêm trọng hơn là mắc lỗi ở khâu lập bảng câu hỏi… Các lý do khách quan đến từ phía đáp viên không hợp tác trong quá trình điều tra khảo sát, hiểu sai ý nghĩa câu hỏi.

Biến quan sát hội tụ vào nhân tố khác

Có thể xuất hiện tình trạng một số khái niệm gần tương tự nhau như lòng trung thành khách hàng với sự hài lòng khách hàng. Các câu hỏi đo lường chúng thường mang tính chất khá tương đồng nhau, sự phân biệt rõ ràng đôi khi lại không đủ lớn để toàn bộ các biến quan sát tách nhau ra thành hai nhóm riêng biệt.

Biến quan sát nhảy nhóm khác trong EFA không phải hoàn toàn là xấu. Có thể do đặc điểm môi trường khảo sát thay đổi, hoàn cảnh thay đổi, tác giả chưa tìm được đủ lý thuyết nền, hoặc do nghiên cứu bổ sung các khái niệm mới, việc khám phá ra cấu trúc mới cần được đánh giá kỹ lưỡng trước khi kết luận là xấu hay tốt.

Trong ví dụ bên dưới, biến Thuong1PhucLoi3 tải rất cao lên nhóm Lương. Khi tác giả xem xét lại lý thuyết nền, bảng câu hỏi, và tìm hiểu thêm một vài nguồn lý thuyết liên quan giữa 3 mảng lương, thưởng, phúc lợi, tác giả thấy rằng 2 biến này thực sự có liên quan nhiều đến vấn đề về Lương. Do vậy, sau bước EFA tác giả đã hiệu chỉnh lại cấu trúc thang đo gốc cho phù hợp với dữ liệu thực nghiệm để tiếp tục các bước phân tích về sau.

Biến quan sát hội tụ vào nhân tố khác

Những vấn đề xảy ra khi phân tích nhân tố khám phá EFA như: số lượng nhân tố trích được ít/nhiều hơn số nhân tố lý thuyết, biến quan sát nhân tố này hội tụ sang nhân tố khác xuất phát từ hai nguyên nhân chính:

  • Người nghiên cứu xây dựng bảng câu hỏi không tốt, các câu hỏi chưa đo lường được chính xác khái niệm cần đo hoặc do cách trình bày câu hỏi không được rõ ràng. Chính vì vậy, khâu nghiên cứu lý thuyết nền, các nghiên cứu thực nghiệm trước và nghiên cứu sơ bộ nhà nghiên cứu cần phải làm thật nghiêm túc, thật tốt để hoàn thiện bảng câu hỏi điều tra một cách rõ ràng, chính xác.
  • Do sự phối hợp không tốt từ đáp viên trong quá trình khảo sát, việc trả lời qua loa, không tập trung vào nội dung câu hỏi, bao lô đáp án,… dẫn đến các vấn đề xấu trong EFA. Người nghiên cứu cần đưa ra phương pháp chọn mẫu phù hợp, kết hợp với chọn địa điểm, khung thời gian khảo sát tối ưu để tránh tối đa các tác động xấu ảnh hưởng đến tâm lý, thái độ người trả lời.

Việc xáo trộn trong ma trận xoay không phải lúc nào cũng là xấu. Có thể những thay đổi về môi trường, hoàn cảnh khảo sát hoặc việc bổ sung thêm một số thang đo mới, câu hỏi mới tạo nên các cấu trúc thang đo mới tuy có khác biệt với lý thuyết nhưng lại phù hợp với thực tế tại môi trường khảo sát của đề tài. Các thang đo mới được hình thành sẽ cần đặt lại tên mới, chúng ta sẽ tìm hiểu cách đặt tên nhân tố mới ở bài viết Đặt tên nhân tố mới sau phân tích EFA.

Khi cấu trúc các nhân tố bị thay đổi, mô hình nghiên cứu cắt giảm hoặc phát sinh thêm biến, nhà nghiên cứu cần hiệu chỉnh lại mô hình sau bước EFA mới tiến hành thực hiện các phân tích về sau như hồi quy, phân tích phương sai…

Nếu bạn gặp khó khăn khi kết quả EFA bị xáo trộn, không đạt tiêu chuẩn kiểm định, số biến bị loại quá nhiều. Bạn có thể tham khảo dịch vụ xử lý số liệu SPSS của Xử Lý Định Lượng để team có thể hỗ trợ bạn xử lý nhanh và hiệu quả nhất.