Phương pháp đưa biến hồi quy Enter và Stepwise

NGÀY ĐĂNG: 16/12/2020 |DANH MỤC: Hồi quy

Phần mềm SPSS hỗ trợ năm phương pháp đưa biến vào trong hồi quy gồm: Enter, Stepwise, Backward, Forward, Remove. Trong đó, Enter và Stepwise là hai phương pháp đưa biến được sử dụng phổ biến nhất.

Phương pháp đưa biến hồi quy Enter và Stepwise

Với phương pháp đưa biến Enter, các biến độc lập được đưa vào đồng thời cùng lúc với nhau và người nghiên cứu sẽ tự đánh giá nên loại biến nào nên giữ biến nào. Với Stepwise, các biến độc lập được đưa vào lần lượt dựa trên một số điều kiện đầu vào. Khi đã đưa vào, biến sẽ được xem xét có nên loại bỏ hay không dựa theo một số điều kiện đầu ra. Quá trình đưa biến vào và loại biến ra sẽ được phần mềm xử lý tự động để cho ra được kết quả hồi quy cuối cùng gồm các biến có ý nghĩa thống kê trong mô hình. Để hiểu sâu hơn về cơ chế chọn biến bằng Stepwise, bạn có thể tham khảo cuốn Multivariate Data Analysis 7th của Hair và cộng sự (2014), tài liệu này sẽ chỉ tập trung vào khi nào chúng ta nên dùng Enter, khi nào nên dùng Stepwise.

Trước hết, chúng ta cần xác định nghiên cứu đang thực hiện thuộc dạng nghiên cứu khẳng định (kế thừa) hay nghiên cứu khám phá. Với nghiên cứu khẳng định, các biến độc lập tham gia vào hồi quy đã được chứng minh ở các công trình nghiên cứu trước đó là có sự tác động lên biến phụ thuộc. Việc chúng ta thực hiện nghiên cứu lại chỉ có sự thay đổi về một số yếu tố như môi trường, thời gian, các điều chỉnh nhỏ về nội dung câu hỏi điều tra … mà không phát sinh thêm các biến độc lập mới hoàn toàn. Trong khi đó với nghiên cứu khám phá, có sự xuất hiện của các biến độc lập mới tham gia vào hồi quy, hoặc là có thêm một vài biến mới hoặc tất cả các biến độc lập đều là biến mới.

Nếu bạn gặp phải khó khăn trong thực hiện chạy phân tích hồi quy tuyến tính bội ở 2 kỹ thuật Enter và Stepwise, Xử Lý Định lượng nhận chạy SPSS, bạn có thể tham khảo dịch vụ để tối ưu về kết quả và thời gian làm bài.

Studenmund và Cassidy (1987)[1] và Andy Field (2009)[2] cho rằng, phương pháp đưa biến vào cùng lúc Enter phù hợp đối với các nghiên cứu khẳng định. Nguyễn Đình Thọ (2010)[3] cũng cho rằng, khi mục tiêu nghiên cứu là kiểm định lý thuyết đã được chứng minh ở các công trình nghiên cứu khác, chúng ta nên sử dụng phương phép Enter. Với Stepwise, Nguyễn Đình Thọ (2010) cho rằng phương pháp này phù hợp để khám phá mối quan hệ của các biến độc lập mới với biến phụ thuộc trong mô hình hồi quy. Do đó, nếu chúng ta đang thực hiện một nghiên cứu khám phá nhằm tìm ra một mô hình mới, Stepwise sẽ là phương pháp phù hợp.

[1] Studenmund & Cassidy, Using Econometrics: A Practical Guide, Little, Brown, 1987.

[2] Andy Field, Discovering Statistics using SPSS, Sage, London, 2009.

[3] Nguyễn Đình Thọ, Giáo trình phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, NXB Tài Chính, 2013.