Không phải lúc nào số nhân tố được trích từ EFA cũng phù hợp với lý thuyết ban đầu, có thể ít hơn, có thể nhiều hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm cả chủ quan và khách quan. Các lý do chủ quan đến từ việc người nghiên cứu nhập liệu lỗi, không làm sạch dữ liệu trước khi thực hiện phân tích, chọn phương pháp xoay, trích không phù hợp,… hay nghiêm trọng hơn là mắc lỗi ở khâu lập bảng câu hỏi.
Nếu ngay từ công đoạn xây dựng câu hỏi khảo sát, người nghiên cứu xây dựng câu hỏi không rõ ràng sẽ dễ dẫn đến tình trạng đáp viên hiểu nhầm nội dung, do vậy mà câu trả lời của họ không chính xác. Các lý do khách quan đến từ phía đối tác không hợp tác khi điều tra: trả lời cho qua, bao lô, không chú tâm vào nội dung câu hỏi. Chính vì vậy, nhà nghiên cứu cần làm thật tốt phần nghiên cứu sơ bộ để có được một bảng câu hỏi chất lượng, tiếp đến là chọn phương pháp lấy mẫu phù hợp, áp dụng kỹ thuật câu hỏi gài để loại bỏ phiếu khảo sát kém chất lượng, làm sạch dữ liệu cẩn thận trước khi đi vào phân tích.
Nếu số lượng nhân tố trích được nhỏ hơn số nhân tố lý thuyết, kết quả ma trận xoay cho ta thấy tình trạng gộp tối thiểu 2 nhóm lại với nhau. Lấy ví dụ trường hợp 2 nhóm hội tụ chung về 1 nhân tố như ảnh bên dưới, nhóm TL hội tụ chung với nhóm DT.
Chúng ta cần kiểm tra xem các biến quan sát của 2 nhóm này có cùng mang một tính chất hay biểu thị chung một ý nghĩa gì hay không, nếu có, hãy kiểm tra lại lý thuyết nền của cả 2 nhân tố. Có thể khi xây dựng lý thuyết nền, chúng ta nghiên cứu các lý thuyết riêng lẻ nên không để ý rằng có sự liên kết giữa 2 khái niệm của 2 nhân tố này. Trên lý thuyết chúng là hai khái niệm khác nhau nhưng trên thực tế chúng lại cùng biểu thị chung một khái niệm.
Nếu số nhân tố trích được lớn hơn số nhân tố lý thuyết, có thể xuất hiện nhân tố đa hướng. Tính đa hướng hay đơn hướng bị ảnh hưởng bởi môi trường nghiên cứu, có thể ở môi trường nghiên cứu này, nhân tố là đơn hướng nhưng ở môi trường khác, nhân tố đó lại là đa hướng.
Ví dụ trường hợp một nhân tố tách thành hai nhân tố khác trong ma trận xoay như kết quả ở trên, nhóm TL tách thành 2 nhóm nhỏ: nhân tố thứ nhất gồm TL3 và TL4, nhân tố thứ hai gồm TL1, TL2. Nghĩa là trên lý thuyết, nhân tố này là một khái niệm, nhưng với dữ liệu thực nghiệm từ nghiên cứu, EFA nhận thấy nhân tố này thực chất được cấu thành từ hai nhân tố nhỏ mang hai khái niệm khác nhau. Để giải thích điều này, chúng ta sẽ cần liên kết một phần từ lý thuyết nền và phần lớn từ đặc điểm môi trường khảo sát thực tế.
Khi mô hình và cấu trúc thang đo có sự biến đổi so với lý thuyết sau bước EFA, chúng ta sẽ cần hiệu chỉnh lại mô hình và các giả thuyết để tiếp tục thực hiện các phân tích sau đó như tương quan, hồi quy, phân tích phương sai.
Nếu bạn gặp khó khăn khi kết quả EFA bị xáo trộn, không đạt tiêu chuẩn kiểm định, số biến bị loại quá nhiều. Bạn có thể tham khảo dịch vụ xử lý số liệu SPSS của Xử Lý Định Lượng để team có thể hỗ trợ bạn xử lý nhanh và hiệu quả nhất.