Lý thuyết chọn đề tài nghiên cứu khoa học

NGÀY ĐĂNG: 15/12/2020 |DANH MỤC: Research

1. Vấn đề nghiên cứu

Vấn đề nghiên cứu được xác định rõ ràng, đúng đắn là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của dự án nghiên cứu (Nguyễn Đình Thọ, 2010). Chúng ta không thể thực hiện một nghiên cứu khi còn chưa rõ vấn đề cần giải quyết của nghiên cứu là gì.

Chọn đề tài nghiên cứu khoa học

Trong kinh tế, vấn đề nghiên cứu đến từ hai nguồn chủ yếu là từ lý thuyết và từ thị trường.

  • Nguồn lý thuyết: thường dùng cho các nghiên cứu hàn lâm. Những lý thuyết, cơ sở lý luận các nghiên cứu trước đã làm, chưa làm hoặc làm nhưng chưa hoàn chỉnh là nguồn quan trọng trong nghiên cứu khoa học.
  • Nguồn thị trường: xoay quanh các vấn đề đến thực tế xảy ra trong nền kinh tế, trong kinh doanh, vấn đề doanh nghiệp…

Mặc dù được phân loại thành hai nguồn, nhưng hai nguồn này luôn bổ trợ cho nhau và luôn có mặt đồng thời trong bất kỳ một nghiên cứu nào. Một vấn đề nghiên cứu xuất phát từ lý thuyết sẽ không hề tách khỏi mục đích phục vụ cho hoạt động kinh doanh trên thị trường hay giúp ích cho việc giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.

Ví dụ, nghiên cứu xây dựng công thức cung – cầu có nguồn lý thuyết nhưng cuối cùng vẫn dùng cho việc giải quyết vấn đề thị trường. Tương tự, một vấn đề nghiên cứu được xác định từ thị trường nhưng không bao giờ tách biệt khỏi cơ sở lý thuyết. Khi một vấn đề nghiên cứu được phát hiện từ thị trường, chúng ta luôn liên hệ với lý thuyết để xác định xem đã có nghiên cứu nào giải quyết vấn đề này chưa và đã giải quyết đến đâu. Ví dụ, doanh nghiệp cần đánh giá thái độ khách hàng đối với 7P trong chiến lược tiếp thị của mình. Doanh nghiệp sẽ liên hệ với các lý thuyết để tìm mối liên hệ 7P với hành vi, thái độ khách hàng, đồng thời cũng xem xét đã có ai thực hiện nghiên cứu này chưa, môi trường nghiên cứu như thế nào để xây dựng đề tài nghiên cứu.

2. Mục tiêu và đề tài nghiên cứu

Sau khi xác định vấn đề nghiên cứu, nhà nghiên cứu cần định hình rõ cần nghiên cứu cái gì, đó là mục tiêu nghiên cứu. Có hai loại mục tiêu nghiên cứu là mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể. Ví dụ:

  • Vấn đề nghiên cứu: Nâng cao sự hài lòng của nhân viên trong công ty.
  • Mục tiêu tổng quát có thể là: Đánh giá các yếu tố chính tác động lên sự hài lòng của nhân viên. Đây cũng là nền tảng để xây dựng tên đề tài nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu thường được đặt tên dựa trên mục tiêu nghiên cứu tổng quát. Ví dụ, tên đề tài là “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhân viên tại công ty ABC”.
  • Mục tiêu cụ thể: Xem xét tác động của tiền lương, thăng tiến, môi trường làm việc, tính chất công việc đến sự hài lòng của nhân viên.

Giải quyết mục tiêu nghiên cứu chúng ta sẽ biết được rằng, có những yếu tố nào đang ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của nhân viên, yếu tố nào ảnh hưởng mạnh, yếu tố nào ảnh hưởng yếu, từ đó đưa ra được các chính sách thay đổi và điều chỉnh để nâng cao năng suất làm việc của nhân viên.

Từ mục tiêu nghiên cứu cụ thể, chúng ta sẽ chuyển đổi chúng thành các câu hỏi nghiên cứu như sau:

  1. Tiền lương có sự tác động lên sự hài lòng của nhân viên
  2. Thăng tiến có sự tác động lên sự hài lòng của nhân viên
  3. Môi trường làm việc có sự tác động lên sự hài lòng của nhân viên
  4. Tính chất công việc có sự tác động lên sự hài lòng của nhân viên

Khi đã có được mục tiêu nghiên cứu, chúng ta cần vẽ ra đường đi để giải quyết mục tiêu này. Việc định hình hướng đi giúp chúng ta xác định sẽ phải dùng phương pháp định tính hay định lượng để trả lời các câu hỏi nghiên cứu, bởi hai phương pháp này yêu cầu cách thiết kế nghiên cứu để thu thập dữ liệu khác nhau. Phương pháp định tính sẽ dễ dàng hơn cho nhà nghiên cứu, nhưng phương pháp định lượng thường khó khăn hơn rất nhiều bởi sẽ cần xây dựng cơ sở lý thuyết, thành lập mô hình nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu, từ đó xây dựng bảng câu hỏi phù hợp để có thể xử lý bằng định lượng.

3. Mô hình nghiên cứu

Đối với một nghiên cứu hành vi (xã hội học) thuật ngữ mô hình nghiên cứu nhằm nói đến mối quan hệ giữa các nhân tố (biến nghiên cứu) với nhau như thế nào dựa trên các lý thuyết kinh tế, quản trị, tâm lý xã hội… Một mô hình nghiên cứu gồm hai thành phần cơ bản là (1) các biến nghiên cứu và (2) các mối quan hệ giữa các biến nghiên cứu (được thể hiện qua các giả thuyết nghiên cứu). Một mô hình nghiên cứu đơn giản có thể được biểu diễn như sau:

Chọn đề tài nghiên cứu khoa học

Mô hình nghiên cứu này thiết lập mối quan hệ giữa bốn nhân tố độc lập với một nhân tố chịu tác động từ bốn biến kia gọi là biến phụ thuộc.

4. Giả thuyết nghiên cứu

Giả thuyết nghiên cứu là trả lời dự kiến cho các câu hỏi nghiên cứu. Các trả lời này tạm thời được công nhận dựa vào lý thuyết và chưa được kiểm nghiệm chứng minh. Chúng ta tiến hành thiết kế nghiên cứu để thu thập dữ liệu dùng cho việc kiểm định các giả thuyết đã đề ra. Vì vậy, các giả thuyết nghiên cứu còn được gọi là giả thuyết kiểm định. Ví dụ, với các câu hỏi nghiên cứu và mô hình nghiên cứu ở trên, chúng ta xây dựng các giả thuyết như sau:

       Giả thuyết H1: Tiền lương có sự tác động đến sự hài lòng của nhân viên

       Giả thuyết H2: Thăng tiến có sự tác động đến sự hài lòng của nhân viên

       Giả thuyết H3: Môi trường làm việc có sự tác động đến sự hài lòng của nhân viên

       Giả thuyết H4: Tính chất công việc có sự tác động đến sự hài lòng của nhân viên