Trong bài viết Mã hóa, nhập liệu câu hỏi khảo sát vào SPSS – Phần 1, chúng ta đã tìm hiểu qua cách mã hóa và nhập liệu đối với các dạng câu hỏi: định tính 1 trả lời, định tính nhiều trả lời, định tính mở. Phần 2 này chúng ta sẽ đi vào các dạng câu còn lại như: câu hỏi thứ tự xếp hạng, định lượng mở, định lượng Likert. Nếu bạn chưa xem qua phần 1, vui lòng xem tại đây.
4. Câu hỏi thự tự xếp hạng
Câu hỏi nhằm thu thập thông tin xếp hạng các tiêu chí có sẵn từ đánh giá của người được khảo sát. Chúng ta cùng tìm hiểu qua ví dụ sau:
Ví dụ: Anh/Chị vui lòng xếp hạng thứ tự mức độ yêu thích của mình đối với 3 loại nước giải khát sau đây: Coca Cola, Pepsi, Sting
- Yêu thích nhất: …………
- Yêu thích nhì: …………
- Yêu thích ba: …………
Hoặc một cách trình bày khác: Anh/Chị vui lòng xếp hạng thứ tự mức độ yêu thích của mình đối với 3 loại nước giải khát sau đây. Yêu thích nhất ghi số 1, yêu thích nhì ghi số 2, yêu thích ba ghi số 3:
- Coca Cola: …………
- Pepsi: …………
- Sting: …………
Với dạng câu hỏi này chúng ta nên sử dụng cách trình bày số 2 khi lập bảng khảo sát. Thứ tự độ quan trọng/mức yêu thích/… sẽ thích hợp hơn khi biễu diễn thành các con số có thứ tự tăng hoặc giảm dần.
Có bao nhiêu kết quả cần xếp hạng chúng ta cần tạo bấy nhiêu câu hỏi nhỏ đối với dạng câu hỏi thứ tự xếp hạng. Cụ thể trong ví dụ ở trên, người được khảo sát cần cho biết mức độ yêu thích nhất nhì ba của mình đối với 3 sản phẩm nước ngọt: Coca Cola, Pepsi, Sting. Như vậy, trong khuôn dữ liệu SPSS, ta cần lập 3 biến như sau:
Cột Values, chúng ta cũng sẽ có 3 giá trị tương ứng với xếp hạng 3 mức độ yêu thích của người được khảo sát:
Và đây là giao diện khi nhập liệu vào Data View tương ứng với câu trả lời của các đối tượng được khảo sát:
– Người 1: Thích Coca Cola nhất, thích Pepsi thứ 2, thích Sting thứ 3
– Người 2: Thích Pepsi nhất, thích Sting thứ 2, thích Coca Cola thứ 3
– Người 3: Thích Coca Cola nhất, thích Sting thứ 2, thích Pepsi thứ 3
Tóm tắt:
Đối với dạng câu hỏi thứ tự xếp hạng các bạn cần chú ý những điểm dưới đây:
- Số biến: Bao nhiêu đáp án cần xếp hạng sẽ cần bấy nhiêu biến.
- Giá trị (Values): Bằng với số biến, có bao nhiêu thứ tự cần xếp hạng sẽ có tương ứng bấy nhiêu giá trị.
- Thang đo (Measure): Thường là Ordinal.
5. Câu hỏi định lượng mở
Dạng câu hỏi này thường được trình bày dưới hình thức tương tự câu hỏi định tính mở. Tuy nhiên đáp án sẽ là một con số chứ không phải là một chuỗi văn bản. Cùng tìm hiểu ví dụ sau đây:
Ví dụ: Anh/Chị vui lòng điền vào chỗ trống các câu hỏi dưới đây:
- Chiều cao của bạn là:………. centimet (cm)
- Cân nặng của bạn là:………. kilogram (kg)
- Số đo vòng 1 của bạn là:………. centimet (cm)
Trong ví dụ trên, người được khảo sát sẽ điền vào một con số ở các chỗ trống. Các con số này là tự do, chúng ta chỉ có thể có được giới hạn thấp nhất (min), cao nhất (max) trong một khoảng chừng nào đó. Nếu bạn không có yêu cầu gì khác, người được khảo sát sẽ điền vào con số chiều cao, cân nặng, số đo vòng 1 của họ một cách tự do. Có người sẽ điền vào chiều cao là 156cm, người là 157cm, người là 161cm, người là 163cm…, số đáp án gần như là vô hạn.
Việc thu thập dữ liệu đối với dạng câu hỏi định lượng mở và không có yêu cầu giới hạn kèm theo sẽ khiến cho số lượng giá trị Values trở nên vô hạn. Do vậy, khi tạo biến cho câu hỏi dạng này, chúng ta sẽ không nhập giá trị vào mục Values. Thang đo được ưu tiên lựa chọn là Scale.
Thu thập chính xác chiều cao, cân nặng, số đo vòng 1 trong tình huống này phục vụ cho các đề tài nghiên cứu khi cần phân tích sâu các con số chi tiết nhằm một mục đích nhất định nào đó mà việc chia khoảng (cân nặng dưới 40; từ 40-59; từ 60-79; từ 80 trở lên…) không thể mang lại kết quả chính xác như mong muốn.
Ngoài mục đích phân tích sâu từng giá trị chi tiết, các nhà nghiên cứu còn tiến hành chia khoảng giá trị chi tiết thành từng phân đoạn phục vụ cho các phân tích tổng quát, các phân tích không cần đào sâu vào từng giá trị riêng lẻ. Để tìm hiểu cách mã hóa lại biến có quá nhiều giá trị, các bạn vui lòng xem phần mở rộng “Mã hóa lại biến” ở cuối chương này.
Tóm tắt:
Đối với dạng câu hỏi định lượng mở các bạn cần chú ý những điểm dưới đây:
- Số biến: Mỗi câu hỏi tương ứng với một biến.
- Giá trị (Values): Không nhập giá trị vào mục Values vì giá trị là các con số tự do không kiểm soát.
- Thang đo (Measure): Thường là Scale.
6. Câu hỏi định lượng Likert
Câu hỏi Likert có thể nói là dạng phổ biến nhất trong các đề tài nghiên cứu. Thường chúng không được trình bày theo câu hỏi mà được đưa về dạng các câu mệnh đề, các tiêu chí. Trong bảng khảo sát mục 1.4 chương 1, ngoại trừ 6 câu hỏi định tính thì 30 câu định lượng trình bày dạng bảng chính là các câu hỏi định lượng Likert.
Ở bước tạo khuôn dữ liệu Variable View, câu hỏi định lượng Likert nhập liệu giống như câu hỏi định tính một trả lời, các bạn chỉ tạo 1 biến cho 1 câu hỏi (về sau sẽ gọi là tiêu chí). Bảng khảo sát có 30 tiêu chí nên tác giả tạo tương ứng 30 biến như hình:
Các bạn nhập các mục Type, Values, Missing, Measure… bình thường cho các biến. Phần Values, các bạn nhập các mức giá trị của thang Likert: 3, 5, 7, 9 … Trong hình bên dưới tác giả sử dụng Likert 5 mức độ đồng ý.
Cách nhập liệu hoàn toàn giống với câu hỏi định tính một trả lời, mỗi hàng tương ứng với 1 người trả lời (1 phiếu khảo sát).
Tóm tắt:
Đối với dạng câu hỏi định định lượng Likert các bạn cần chú ý những điểm dưới đây:
- Số biến: Một câu hỏi tương ứng với 1 biến.
- Giá trị (Values): Số giá trị bằng số mức giá trị của thang đo Likert.
- Thang đo (Measure): Thường là Scale.