Tầm quan trọng của nghiên cứu sơ bộ khi xây dựng bảng câu hỏi

NGÀY ĐĂNG: 02/05/2020 |DANH MỤC: Research

Nghiên cứu sơ bộ là một bước rất quan trọng giúp người làm nghiên cứu có được sự chuẩn bị tốt nhất cho bước khảo sát chính thức. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn chưa đánh giá đúng sự thiết yếu của bước này dẫn đến những kết quả không tốt về sau.

Nghiên cứu sơ bộ

Khi thực hiện một đề tài nghiên cứu, một luận văn chúng ta hình dung nó là đường 1 chiều. Khi đã qua bước sau rồi thì quay lại bước trước sẽ cực kỳ khó khăn, khó khăn ở đây chính là việc đánh đổi thời gian, công sức và kinh phí.

Đọc tài liệu, các sách về nghiên cứu marketing, chúng ta khá quen thuộc với khái niệm “Nghiên cứu sơ bộ” và nó cũng được trình bày thành 1 bước trong quy trình thực hiện một bài nghiên cứu, luận văn, đây là bước được thực hiện trước phần “Nghiên cứu chính thức”. Vai trò của nghiên cứu sơ bộ là hoàn thiện những vấn đề chưa rõ, nhận diện các rủi ro, giúp người nghiên cứu hoàn thiện mô hình nghiên cứu, bảng câu hỏi khảo sát trước khi đi vào nghiên cứu chính thức.

Chúng ta đều biết rằng khi nghiên cứu chính thức, số lượng phiếu khảo sát là rất lớn, sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, kinh phí để thực hiện thu thập số liệu. Giả sử như bạn mất tầm 2 tháng, 2 triệu đồng để thu thập dữ liệu 300 quan sát cho một đề tài luận văn. Nhưng khi số liệu thu về sau khi trải qua bước phân tích nhân tố khám phá EFA, gần như tất cả các thang đo đều gom chung về 1 cột hoặc 2 cột trong khi đó trong mô hình nghiên cứu của bạn có tới 8, 9 nhóm nhân tố độc lập. Nghiêm trọng hơn khi 1 hoặc 2 cột nhân tố ấy lại lộn xộn biến quan sát của các thang đo từ nhiều nhóm khác nhau. Dữ liệu này gần như không thể sử dụng được. Mặc dù EFA sẽ khám phá ra những cấu trúc tiềm ẩn và việc hình thành nhân tố mới là điều bình thường, nhưng cấu trúc mới lại khác biệt hoàn toàn với cơ sở lý luận khi so sánh với các lý thuyết nền, các nghiên cứu trước đó thì thực sự bài nghiên cứu của bạn đang gặp vấn đề.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do các bạn không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc bước Nghiên cứu sơ bộ. Một bảng câu hỏi không phải đều được trình bày giống nhau để áp dụng điều tra tất cả mọi đối tượng khảo sát. Sau khi hình thành bảng câu hỏi từ việc tham khảo lý thuyết, các nghiên cứu trước, bảng câu hỏi cần được điều chỉnh, góp ý từ chuyên gia như giảng viên hay người hướng dẫn đề tài. Tiếp đến thực hiện nghiên cứu sơ bộ một cách chỉnh chu, tổng hợp các góp ý của đáp viên để điều chỉnh lại bảng câu hỏi.

Một số vấn đề liên quan đến bảng câu hỏi khảo sát cần được đánh giá trong bước Nghiên cứu sơ bộ:

1. Các câu hỏi đã rõ ràng hay chưa?

Một bảng câu hỏi khảo sát thực sự tốt khi đáp viên hiểu chính xác vấn đề đề cập trong câu hỏi. Việc hiểu sai sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khi dữ liệu không đảm bảo các kiểm định, phân tích định lượng trên phần mềm về sau. Khi thực hiện nghiên cứu sơ bộ, hãy hỏi lần lượt từng đáp viên có chỗ nào trong bảng câu hỏi chưa rõ hoặc họ không hiểu hay không. Ghi chú lại tất cả các góp ý của đáp viên và tổng hợp lại để điều chỉnh bảng câu hỏi cho thật rõ ràng.

2. Thang đo sử dụng phù hợp hay chưa?

Giả sử thang đo bạn sử dụng để đo lường các câu hỏi là thang đo Likert 5 mức độ đồng ý từ 1-5. Thang 5 mức độ có 3 là giá trị trung lập, 2 nhánh còn: giá trị 1,2 là nhánh không đồng ý và giá trị 4,5 là nhánh đồng ý. Nhưng vì đặc điểm ở môi trưởng khảo sát, đáp án có xu hướng thiên về 1 nhánh hoặc là chỉ toàn 1,2 hoặc là chỉ toàn 4,5. Điều này dẫn đến tình trạng đáp án của các câu hỏi đều hao hao nhau, không có sự khác biệt, gây ra các vấn đề về tính phân biệt khi đưa vào phân tích định lượng. Ví dụ như ở EFA, việc dữ liệu các biến như nhau sẽ dẫn đến các nhóm nhân tố bị gộp lung tung hoặc rất nhiều nhóm gom về 1 cột ở ma trận xoay.

Giải pháp cho những nghiên cứu mà đặc tính câu trả lời quá thiên về một nhánh đáp án đó là kéo dãn thang đo ra, thay vì sử dụng thang đo 5 mức độ, bạn hãy dùng thang đo 7 mức độ, 9 mức độ. Lúc này nhánh “không đồng ý” ban đầu chỉ có 1,2 thì bây giờ có 1,2,3 (thang 7) hoặc 1,2,3,4 (thang 9); nhánh “đồng ý” ban đầu gồm 4,5 bây giờ sẽ có 5,6,7 (thang 7) hoặc 6,7,8,9 (thang 9). Mỗi nhánh đáp án có nhiều lựa chọn hơn, do vậy tính phân biệt giữa các câu hỏi sẽ tăng lên đáng kể. Nhưng cũng cần lưu ý, đi đôi với việc có nhiều lựa chọn hơn cho đáp viên thì cũng kéo theo sự rối rắm cho họ, bởi lúc này có quá nhiều mức để họ phải lựa chọn.

3. Thái độ hợp tác của đáp viên và đặc điểm đáp viên

Hãy nhớ rằng, không phải ai cũng vui vẻ dành thời gian của họ để giúp bạn hoàn thành phiếu khảo sát. Sẽ có những đáp viên trả lời qua loa, đánh đáp án bao lô, khoanh đại khái cho xong… Qua quá trình khảo sát sơ bộ, bạn sẽ nhận thấy đặc điểm đối tượng khảo sát của mình là những người có độ tuổi thường sẽ vào mức A, học vấn của họ đa phần rơi vào B, môi trương khảo sát đa phần là ở nơi C, trong khung thời gian khảo sát thì họ đang rảnh rỗi hay lúc đó họ làm việc…. từ những thông tin nắm được đó, bạn có thể đưa ra đánh giá sơ bộ về thái độ hợp tác của người trả lời, khả năng đáp viên có thể cho câu trả lời chính xác.

Với việc đánh giá sơ bộ về thái độ hợp tác của đáp viên, bạn sẽ lên kế hoạch: nên khảo sát ở đâu, lúc nào, những ai để có thể thu về phiếu khảo sát có chất lượng. Bạn cũng cần thiết lập câu hỏi gài và câu hỏi đáp đáp án để có thể nhận diện được các phiếu khảo sát đánh đại cho xong, đánh bao lô, trả lời qua loa. Kỹ thuật câu hỏi gài và câu hỏi đảo đáp án, bạn tham khảo tại ebook SPSS của mình ở link này.

Tóm lại, chúng ta cần đánh giá chính xác tầm quan trọng của nghiên cứu sơ bộ. Làm thật tốt bước sơ bộ, dữ liệu thu thập ở bước chính thức sẽ mang lại kết quả tốt rất nhiều. Việc bỏ qua hoặc làm sơ sài phần sơ bộ, tất cả các sai sót và rủi ro đều sẽ đổ dồn về kết quả chính thức. Và nếu không may mắn, dữ liệu chính thức thu về quá tệ, chúng ta có thể sẽ phải hủy bỏ toàn bộ số liệu đó và phải điều chỉnh bảng câu hỏi, khảo sát lại từ đầu.